Món Ngon, Món Lạ Quê Hương

From: Llddhh17 Jun 2013 14:40
To: tieutuong (HTHINH) 65 of 203
Ở ngoài Bắc, tai chua thường được tách bỏ hột, phơi khô quả và bán ở chỗ hàng gia vị khô. Cùng với quả dọc, quả me, sấu, chanh, là những gia vị tạo chua phổ biến nhất .
From: tieutuong (HTHINH)18 Jun 2013 07:01
To: Llddhh 66 of 203
(nod) (thanks)
From: tieutuong (HTHINH)18 Jun 2013 07:16
To: ALL67 of 203
10 đặc sản tiến vua nổi tiếng của người Việt

Để được đưa vào cung tiến vua, món ăn phải có giá trị dinh dưỡng cao và hương vị tuyệt vời hiếm thấy. Có thể nói, những món đặc sản tiến vua này là "vua" của các loại đặc sản.

Nền ẩm thực phong phú của Việt Nam từ thời xa xưa đã sản sinh ra hàng trăm, hàng nghìn món ăn đặc sắc. Một phần nhỏ trong số những món ăn đó hưởng vị trí trang trọng đặc biệt khi được đưa vào cung đình để cung tiến các bậc vua chúa.

Dưới đây là một số đặc sản tiến vua nổi tiếng ở Việt Nam:

1. Bánh Phu thê Đình Bảng

Là nơi phát tích của vương triều nhà Lý, Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) thường được gọi là đất vua. Đây cũng vùng đất của một đặc sản nổi tiếng, đã được đưa vào tận kinh đô Huế để tiến vua, đó là bánh phu thê. Đúng như tên gọi của mình (phu thê nghĩa là vợ chồng), món bánh này không lẻ chiếc mà đi theo cặp. Phía sau những lớp là chuối, chiếc bánh hiện ra với lớp vỏ làm bằng bột nếp óng ánh màu vàng tươi. Nhân bánh là đỗ xanh giã nhuyễn, nhào đường, có thể cho thêm dừa. Hương vị của bánh ngọt ngào như duyện vợ chồng.

2. Chim Sâm cầm Hồ Tây

Sâm cầm hồ Tây là món ăn nổi tiếng, đã đi vào câu ca dao “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây" của đất Thăng Long. Quan niệm dân gian cho rằng loài chim này di trú từ phương Bắc về phương Nam, chúng đào ăn nhân sâm trên đỉnh các núi cao ở Trung Quốc, Hàn Quốc nên được gọi là sâm cầm. Đó là lý do thịt Sâm cầm được cho là một món ăn đại bổ. Đây cũng là một món ăn khoái khẩu của vua Tự Đức. Tương truyền, làng Nghi Tàm bên hồ Tây được lệnh mỗi năm phải tiến vua 40-50 con chim Sâm cầm, nếu thiếu sẽ bị phạt nặng.

3. Cá Anh vũ Việt Trì

Nếu Sâm cầm là niềm tự hào của hồ Tây thì cá Anh vũ là thương hiệu bất hủ của ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Với những thớ thịt trắng, quánh và đặc biệt là khối sụn môi giòn sần sật, cá anh vũ được người sành ẩm thực cho là ngon hơn bất kỳ loài cá nào của sông nước. Vì vậy, từ xa xưa, cá anh vũ đã được dùng làm thức tiến ăn tiến vua, được các bộ chính sử ghi lại. Cũng giống như sâm cầm hồ Tây, ngày nay cá Anh vũ đã gần như biến mất tại nơi vùng nước gắn với danh tiếng của mình.

4. Chè long nhãn hạt sen Hưng Yên

Sau mỗi bữa ăn đầy sơn hào hải vị, vua chúa ngày xưa tráng miệng bằng gì? Một trong những câu trả lời là chè long nhãn hạt sen phố Hiến (Hưng Yên). Nguyên liệu chính của món chè tiến vua này là những quả nhãn lồng phố Hiến, loại nhãn có hương vị thơm quý phái, cùi dầy, ăn giòn, ngọt hơn bất cứ các loại nhãn nào khác.


5. Gà Đông Tảo

Bên cạnh nhãn lồng, đất Hưng Yên còn có một đặc sản tiến vua đặc sắc khác là gà Đông Tảo. Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.


6. Chuối ngự Nam Định

Tương truyền, vào thời Trần, từ phủ Thiên Trường đến ngoài thành Nam Định, nhiều vùng là quê hương, thái ấp của vua quan nhà Trần. Cảm kích trước tài năng và đức độ của các bậc trị nước, dân thành Nam đã trồng một sản vật quý để dâng vua, đó chính là chuối ngự. Vẫn còn được trồng chọ đến ngày nay, chuối Ngự cho quả rất nhỏ, khi chín có màu vàng ướm như tơ tằm, mùi thơm ngát, vị ngọt thanh tao đầy quyến rũ...


7. Cốm Vòng

Cốm làng Vòng, sản vật đặc trưng của đất Thăng Long đã nổi tiếng từ cách đây 1.000 năm, khi được đưa vào cung tiến vua các triều Lý. Ngày nay, cứ mỗi mùa thu món ăn chơi làm từ lúa non này lại theo các gánh hàng rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội. Cốm Vòng thường được mua về ăn với chuối chín hoặc nấu chè cốm. Đây cũng là nguyên liệu chính của bánh cốm Hàng Than, một món ăn cũng rất đậm chất Hà Nội.



8.Mắm tép Hà Yên

Mắm tép Hà Yên (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) là một đặc sản quý và độc đáo ở vùng chiêm trũng xứ Thanh, thời xưa thường được dùng để tiến vua. Để làm loại mắm này, các chức sắc địa phải cử người đến tận khe Gia Giã, làng Cổ Đam (vùng Bỉm Sơn bây giờ) để đánh riêng một loại tép quý, là tép riu nhỏ, có mầu trong xanh. Khi nấu nước mắm cũng phải chọn người nấu giỏi nhất vùng. Khi hoàn thành mắm có ánh vàng, sóng sánh như mật ong.


9. Rau muống Linh Chiểu

Trắng nõn và mềm giòn như giá đỗ, hương vị hài hòa, rau muống Linh Chiểu (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thời xưa rất được các bậc vua chúa ưa thích. Bởi vậy, giống rau này còn có tên gọi khác là rau muống tiến vua. Để bảo đảm chất lượng, việc chăm sóc rau rất kỳ công và vất vả, đất trồng rau phải nằm sát sông, được hưởng mạch nước sủi trong vắt và phù sa sông Hồng bồi đắp. Do việc chăm sóc phức tạp, hiệu quả kinh tế không cao, ngày nay giống rau đặc sản này đang dần bị mai một.


10. Yến sào Khánh Hòa

Được làm từ nước dãi của những con chim yến, yến sào (tổ chim yến) là một đặc sản có hương vị rất hấp dẫn và giá trị dinh dưỡng cao. Từ thời xưa, yến sào đã được khai thác tại các đảo Yến ở ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa để cung tiến các vua chúa. Ngày nay, cơ hội thưởng thức sản vật này vẫn nằm ngoài khả năng của đa số người dân Việt Nam bởi giá thành của chúng rất cao, từ 50-60 triệu đồng/kg. Phần lớn yến sào khai thác được xuất khẩu để thu ngoại tệ.


http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/46431/10-dac-san-tien-vua-noi-tieng-cua-nguoi-viet.html
From: tieutuong (HTHINH)23 Jun 2013 09:12
To: ALL68 of 203

Mặn mà mắm cái


Mắm cái là một trong những thức ăn chính trong bữa cơm thường ngày của nhiều người dân quê chất phác Quảng Nam.

Thuở cha ông ta mở cõi về phương Nam đã mang theo gia sản lớn văn hóa Đại Việt hòa mục với gia sản văn hóa bản địa của Vương quốc Chăm. Chuyện ăn uống cũng có sự hòa trộn ấy. Khi đã định cư ở xứ Đàng Trong, người Việt học được ở nền văn hóa Chămpa một thức ăn hết sức quan trọng là mắm. Giáo sĩ Cristoforo Borri trong tác phẩm Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong năm 1631 đã mô tả người dân ở đây “chuyên thú đánh cá chủ yếu là vì họ rất ham thứ nước "sốt" gọi là balaciam làm bằng cá ướp muối cho mềm và làm nhão trong nước". Thứ nước sốt gọi là “balaciam” ấy là nước mắm của người xứ Đàng Trong. Sách Phủ biên tạp lục (quyển IV), Lê Quý Đôn có viết về xứ Quảng "... có đội Hàm Thủy 50 người, trong số đó 30 người hàng năm nộp nước mắm 30 lường, 20 người hàng năm mỗi người nộp 2 vò mắm mòi, 1 mủng mắm ướp, đều miễn trừ sai dư, tiết liệu, sưu lính". Thế mới biết từ thế kỷ 18 trở về trước, thứ mắm bình dị này được đánh giá cao như các sản vật khác tại Quảng Nam. Khắp vùng duyên hải từ Hà Tĩnh đến tận Cà Mau nơi nào cũng có cách thức chế biến nước mắm, nhưng không nơi nào có kiểu làm mắm cái và ăn mắm cái như ở Quảng Nam.

Công thức làm mắm khá đơn giản: cá ướp muối để thời gian dài (lâu hay mau tùy theo lượng muối và thời tiết), khi con cá đã rục thì người ta chắt lọc lấy nước mắm. Nước mắm được làm từ nhiều loại cá, nhưng mắm cái để ăn được chỉ có vài loại cá: cơm, nục, ve, lầm... Ăn mắm cái cũng có nhiều cách: kho, chưng, chiên, nướng... nhưng thông thường là ăn sống. Một ít gừng, tỏi, ớt... được giã nát, cho mắm cái vào đĩa là có được thức chấm để dùng với cơm, rau và có khi là thịt heo luộc, bánh tráng, mì lá... Trong mùa mưa lụt, nhà nào chuẩn bị được một mái gạo mới và hũ mắm cái là chắc bụng. Trời se lạnh, cơm nóng đơm ra bát, xẻ giữa cho con mắm cá nục vào, phủ cơm lại một lát, mắm chín tới, một trái ớt tươi hoặc một thìa ớt bột sẽ làm cho bữa ăn ấm áp hơn. Ăn với thịt bê thui Cầu Mống sẽ có cách chế biến mắm cái theo kiểu khác: mắm cái lúc này phải là cá cơm, lọc lấy nước, bỏ phần xác mắm, thêm gia vị mới hợp khẩu vị.

Các bà mẹ sau khi sinh cần phải ăn nhiều để có sức và có sữa nuôi con, mà ngày xưa lương thực bồi bổ ở nông thôn hiếm hoi lắm, nên các bà mẹ chồng thường giúp con dâu nướng mắm để ăn được nhiều cơm theo cách cho mắm, tiêu, dầu phụng vào đĩa bằng đất rồi đặt lên bếp lửa, hương vị mắm nướng sẽ hấp dẫn hơn. Ở nông thôn, người ta còn sử dụng mắm cái làm mắm nêm canh. Các loại rau hoặc bầu, bí... được xắt nhỏ, cho mắm cái được đánh tan trong nước ấm, bỏ hẳn phần xác mắm sẽ có nồi canh ngọt ngào hương vị xứ Quảng.

Nói cho cùng, cái vị mằn mặn - cay cay của thứ mắm “quê mùa” ấy là cách ăn chỉ có ở người Quảng Nam. Thực tình mà nói, mùi vị mắm cái sẽ gây khó chịu cho những người ở địa phương khác, nhưng ai đã từng gắn bó với nó ngay tuổi thơ lớn lên phải tha hương, lắm lúc nhớ quay quắt hương vị của loại thức ăn rẻ tiền nhất trần đời này (!).

Phan Thanh Minh
From: Cạu (KHOANGUYEN85)24 Jun 2013 07:48
To: tieutuong (HTHINH) 69 of 203
quote:
Ở nông thôn, người ta còn sử dụng mắm cái làm mắm nêm canh. Các loại rau hoặc bầu, bí... được xắt nhỏ, cho mắm cái được đánh tan trong nước ấm, bỏ hẳn phần xác mắm sẽ có nồi canh ngọt ngào hương vị xứ Quảng.



Quê tui nghèo lém. Lâu lâu củng chỉ có 1 chén mắm cái để mút thui và củng thỉnh thoảng được dùng nêm canh.

Theo tui biết mắm cái là củng giống mắm nêm nhưng còn nguyên con cá trong mắm luôn.
From: Tư Ếch (GAMEOVER)24 Jun 2013 14:56
To: Cạu (KHOANGUYEN85) 70 of 203

đúng rồi anh, mắm cái là có nguyên con cá, thường là cá cơm, đỏ hồng, dằm miếng ớt vô chan cơm nóng, hoặc chấm cơm cháy thì thôi...
Còn mắm nêm, thường là loại mắm hang 2, xác cá (không rõ loại cá gì) đã rục ra, không thơm ngon bằng loại mắm kia, dung để nêm canh nên gọi là mắm nêm thôi

From: TiVi24 Jun 2013 17:06
To: Tư Ếch (GAMEOVER) 71 of 203
bậy.....mắm nêm đâu phải chỉ dùng để nêm canh thôi :)
From: Tư Ếch (GAMEOVER)24 Jun 2013 18:29
To: TiVi 72 of 203

kho quẹt cũng ngon lắm anh

From: Vivivo25 Jun 2013 00:12
To: Tư Ếch (GAMEOVER) 73 of 203

Đâu biết là mắm có sức hút mãnh liệt như vầy

Bỏ học tiến sĩ về quê làm mắm
Hoàn thành tấm bằng thạc sĩ ở Australia, tiếp tục nhận được học bổng tiến sĩ, nhưng Đào Thị Hằng quyết định từ bỏ để trở về quê nhà Quảng Trị cùng bà con xây dựng thương hiệu mắm ruốc Thuyền Nan...
Những ngày này, Đào Thị Hằng tất bật đi về giữa TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị để tham dự hội thảo, làm thủ tục kiểm định chất lượng các loại mắm, thiết kế nhãn mác, quảng bá hàng hóa... Vì thế, Hằng hầu như không có nhiều thời gian để thăm nhà.

Sinh ra trong gia đình đông anh em, làm nghề chài lưới ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, nhà Hằng rất nghèo. Trong nhà chưa khi nào có đủ 500.000 đồng nên cô thấy tủi thân khi nghe các bạn bàn tán thi trường này, trường kia. Còn Hằng chỉ tính học xong đi làm lò gạch hoặc thợ may. Thi năm đầu tiên trượt, ở nhà làm lò gạch, nhưng sức con gái yếu, Hằng xin ba mẹ ôn thêm năm nữa
Năm sau Hằng đỗ thủ khoa ĐH Nông lâm (Huế) với 26 điểm và may mắn nhận được học bổng Tiếp sức đến trường và học bổng thủ khoa của Nhật nên có tiền chi phí trong năm học đầu tiên. Vào đại học, Hằng theo đuổi ước mơ du học. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, cô đã vượt qua 1.000 hồ sơ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để trở thành một trong 20 học sinh Việt Nam nhận học bổng Năng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Australia. Theo học thạc sĩ về biến đổi khí hậu, vừa hoàn thành luận án, Hằng nhận học bổng tiến sĩ.

“Tôi luôn đặt câu hỏi mình sống trong đời để làm gì? Danh hiệu tiến sĩ quan trọng, tiền tài cũng quan trọng, nhưng được giúp đỡ nhiều người với tôi còn quan trọng hơn", Hằng chia sẻ và cho hay một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định về nước của cô là ý kiến của ông bà Dương Quang Thiện. Ông từng du học ngành máy tính ở Pháp, làm việc cho IBM, lấy vợ Tây, nhưng quyết định trở về nước với quan niệm đất nước cần ông hơn là các nước phát triển.

Trong lần trao đổi với ông Thiện về cách thức giúp đỡ nhiều người dân Quảng Trị, Hằng đặc biệt tâm huyết với ý tưởng khôi phục lại nghề mắm truyền thống và quyết định trở về để thực hiện dự định này. Ký ức của Hằng vẫn vẹn nguyên về những năm tháng vất vả, khó nghèo: "Mùa hè khi ba làm được nhiều cá, tôm, bán không hết, mẹ tôi đưa về nhà ướp muối làm mắm đu đủ, mắm cà. Mùa đông khi trời mưa gió, món thường nhật của cả gia đình tôi là cơm nóng với mắm. Mắm mẹ làm thơm và ngon lắm, nên chị em tôi ăn hết nồi cơm, còn cạo cháy, tráng xoong bằng nước mắm. Mắm mẹ làm đã nuôi 6 chị em chúng tôi khôn lớn”.

Đầu năm 2013, ngay khi trở về Việt Nam, Hằng dành 5 tháng lặn lội khắp các làng chài từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phan Thiết, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... để tìm hiểu, thu thập tư liệu và học hỏi kinh nghiệm của người dân bản địa trong việc làm mắm ruốc và nước mắm, với tất cả 20 loại. Để được người dân chia sẻ, chỉ bảo tận tình kinh nghiệm làm mắm ruốc gia truyền, cô đã về nhà dân ở lại hàng tuần liền, cùng xắn tay làm mắm với bà con.

Các bà, các chị giàu kinh nghiệm làm mắm đã tận tình chỉ bảo cho Hằng cách làm các loại mắm, cách nếm, thử mắm xem vị, mùi mắm như thế nào là đạt yêu cầu. Đi đến đâu, Hằng cũng đều tỉ mẩn ghi chép lại công thức, kinh nghiệm làm mắm của từng vùng miền, làm phong phú thêm vốn kiến thức của mình.

Đi nhiều vùng miền, Hằng được biết nhiều loại mắm đặc sản từng được tiến vua như mắm thu, mắm đối, mắm nhum..., nhưng nay rất ít người làm. Nước mắm miền Trung đậm đà, chất lượng nhưng vẫn chưa được bán rộng rãi, chủ yếu bán ở các chợ nhỏ lẻ. Thêm một điều nữa là hầu như con cháu của các dì, các mệ vốn có truyền thống làm mắm ngon lâu đời đều không muốn nối nghiệp gia đình.

"Cộng thêm áp lực từ nước mắm sản xuất công nghiệp vốn rẻ, quảng cáo hoành tráng, chai bao đẹp mắt lại hợp khẩu vị, khiến họ không mặn mà gì với nghề làm mắm ruốc truyền thống. Cứ tiếp tục như vậy thế hệ con cháu mình sẽ không biết nước mắm, mắm ruốc là gì, quan trọng hơn là mất nghề truyền thống vốn được gìn giữ và phát triển cả ngàn năm nay”, Hằng trăn trở.

Hằng cho rằng, nghề làm mắm và nước mắm duy nhất có ở Việt Nam. Thái Lan nhập nước mắm Việt Nam về pha chế rồi xuất khẩu đi khắp thế giới. Bangladesh chỉ có ruốc khá thơm ngon và thường được người dân bỏ vào giấy kẽm, nướng lên cho thơm trước khi nêm vào thức ăn. Qua đi thực tế ở các vùng làm mắm ruốc và nước mắm truyền thống ven biển các tỉnh miền Trung, kết hợp với kinh nghiệm làm nước mắm của gia đình, Hằng nhận thấy, về nước mắm, mỗi loại cá sẽ cho mỗi loại nước khác nhau về màu sắc, mùi thơm và độ ngọt.

Hiện Thuyền Nan có 5 loại nước mắm, đều nguyên chất, đảm bảo thơm ngon, không hóa chất, không chất bảo quản. Hằng trực tiếp làm việc, đặt hàng với hộ gia đình làm mắm ở các vùng biển bãi ngang như Mỹ Thủy, Cửa Tùng. Điều đặc biệt hầu hết gia đình là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh cảnh khó khăn.

Cô giải thích, sở dĩ chọn những hộ làm mắm lâu đời có hoàn cảnh đặc biệt tham gia dự án sản xuất là giúp họ có nguồn thu nhập đều đặn, có điều kiện cho con cái học hành. Từ khi tham gia dự án của Hằng, các sản phẩm của dì Rỏ, mệ Tùng (ở Mỹ Thủy, Hải Lăng), dì Xây, dì Lê, vợ chồng anh chị Xiêm Cát, dì Thảo, anh Tùng (ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh) đã có mặt khắp các tỉnh thành.

Hiện tại, chưa có cơ sở sản xuất, chưa có thương hiệu được đăng ký độc quyền, Hằng phải tích cực phân phối sản phẩm thông qua kênh bán lẻ và bán hàng trên mạng. Khi hoàn thành xong việc đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm và công bố chất lượng, cô sẽ mở rộng phân phối, cũng như ấp ủ xây dựng một cơ sở sản xuất có quy mô, mời những người làm mắm ruốc có uy tín về làm, đồng thời mở rộng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

“Tôi có một ý tưởng khá đặc biệt là sẽ tập cho người nước ngoài ăn mắm ruốc, bằng cách chế biến mắm ruốc kết tinh thành một dạng muối trộn với salad hoặc ăn với bánh sandwich kẹp thịt, làm sao để giảm mùi mắm ruốc một cách tối đa nhưng vẫn giữ nguyên vị ngon, chắc chắn người nước ngoài sẽ thích”, Hằng chia sẻ.

Hiện tại, ngoài theo đuổi dự án mắm Thuyền Nan, Hằng cùng nhóm bạn trong nhóm Mê Kông 1 thực hiện đề tài báo cáo về thực trạng phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 28 t

…[Message Truncated] View full message.
From: tieutuong (HTHINH)25 Jun 2013 04:15
To: Cạu (KHOANGUYEN85) 74 of 203
Lúc ở Đà Nẵng tại nhà người bạn, lần đầu tiên tui mới được ăn mắm cái + mắm dảnh, ngon gì đâu! (up) (up) (up) Bây giờ mê luôn, đang bị thèm nè ... happycry
From: tieutuong (HTHINH)25 Jun 2013 04:18
To: TiVi 75 of 203
Mắm nêm từ chai (hiệu SaiGon) pha với thơm xắt nhuyễn, ớt, tỏi, đường...chấm bò nhúng dấm, bò né, hay các loại gỏi cuốn...là hết xảy! (up)

@GO: lần đầu tiên tui mới biết có món mắm nêm kho quẹt. B-)
From: tieutuong (HTHINH)25 Jun 2013 04:19
To: Vivivo 76 of 203
Woww...phục cô này quá! (up) (up) (up) TFS :-)
quote:
"Tôi có một ý tưởng khá đặc biệt là sẽ tập cho người nước ngoài ăn mắm ruốc, bằng cách chế biến mắm ruốc kết tinh thành một dạng muối trộn với salad hoặc ăn với bánh sandwich kẹp thịt, làm sao để giảm mùi mắm ruốc một cách tối đa nhưng vẫn giữ nguyên vị ngon, chắc chắn người nước ngoài sẽ thích”, Hằng chia sẻ.

Hiện tại, ngoài theo đuổi dự án mắm Thuyền Nan, Hằng cùng nhóm bạn trong nhóm Mê Kông 1 thực hiện đề tài báo cáo về thực trạng phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 28 tuổi, Hằng đã tích lũy được rất nhiều kiến thức bổ ích trong cuộc sống và tự nhận rằng, niềm đam mê với mắm ruốc đã thay đổi cuộc đời mình.

Giải đáp thắc mắc vì sao chọn tên Thuyền Nan để gắn với thương hiệu sản phẩm mắm ruốc, Hằng bộc bạch: “Chiếc thuyền nan ở vùng biển quê mình giờ hiếm lắm, bà con đều đóng tàu lớn để ra khơi. Nhưng dù gì đi nữa, thuyền nan vẫn là hình tượng gắn liền với ngư dân Việt Nam từ bao đời nay, cũng như gắn với các sản phẩm truyền thống từ biển. Tôi cũng trưởng thành và được nuôi lớn nhờ thuyền nan đánh cá của gia đình, nhờ nó tôi đã được đến nước Australiaxa xôi để học tập và giờ quay về để được góp một phần nhỏ bé giúp bà con quê mình”.


(up) (up) (up) Ý tưởng rất hay! (up) (up) (up)
EDITED: 25 Jun 2013 04:21 by HTHINH
From: TiVi25 Jun 2013 04:51
To: tieutuong (HTHINH) 77 of 203
anh có ăn thử mắm ruột cá ngừ chưa? :)
From: tieutuong (HTHINH)25 Jun 2013 05:28
To: TiVi 78 of 203
Chưa, để lần sau phải thử :-) Mà món này làm thế nào, ăn với gì ?
EDITED: 25 Jun 2013 05:28 by HTHINH
From: TiVi25 Jun 2013 05:50
To: tieutuong (HTHINH) 79 of 203
phải có cá ngừ tươi, mổ lấy ruột rồi ướp muối bỏ vào hủ phơi nắng vài ngày thành mắm :) dầm tỏi ớt ăn với cơm nguội hay bánh tráng cuốn thịt luộc chấm mắm ruột cá ngừ :)
From: TiVi25 Jun 2013 05:51
To: tieutuong (HTHINH) 80 of 203
From: TiVi25 Jun 2013 05:52
To: tieutuong (HTHINH) 81 of 203
From: tieutuong (HTHINH)25 Jun 2013 06:04
To: TiVi 82 of 203
Dzị thì chắc khi nào sắp dìa DaNang, phải phone, đặt hàng trước món này cho bển mần, mình dìa tới là chỉ xực thui :B :)) (up) (thanks) (thanks)
From: Tư Ếch (GAMEOVER)25 Jun 2013 13:56
To: tieutuong (HTHINH) 83 of 203

Ở Canada anh làm cũng được mà, món này là món nhà nghèo, hết sức dễ làm.
Anh lấy cái chảo,để lửa cho nóng, rồi đổ it mắm vô, bỏ trái ớt thiệt to, đợi chút cho nó keo lại còn sền sệt, xong bỏ chảo xuống, chờ chút nữa hơi nóng còn lại sẽ làm cho mắm gần như khô. anh thích khô cỡ nào tùy ý.

mắm kho quẹt này ăn với cơm nóng thì hết ý, mà ăn nó, đừng có múc mắm ra chén, dĩa mất ngon, đem nguyên cái chảo để trên bàn, múc chén cơm nóng, xong lấy đũa quẹt vô chảo mắm, trét lên chén cơm. Còn không thì ăn miếng cơm, rồi quẹt miếng mắm nhắm cũng ngon không kém.

Cái này mà them rau dền luộc nữa thì ngon phải biết

From: tieutuong (HTHINH)25 Jun 2013 14:34
To: Tư Ếch (GAMEOVER) 84 of 203
Đúng là vừa kho, vừa quẹt hén! (up) Để hôm nào làm thử :-) (thanks)